Người Việt đã từng tinh kỹ và tử tế trung thực tận cùng để làm nên những thứ thượng phẩm không ồn ào. Nếu có một thước đo sự giàu có bằng thẩm mỹ, bằng thói quen dùng đồ đẹp và làm ra đồ đẹp của người Việt – thì lụa Lãnh Mỹ A chính là phẩm hạnh xa xỉ đó.

Xưa nay, phàm thứ gì quý hiếm thì đều khó khăn và nhiều khổ tâm. Lãnh Mỹ A – loại lụa cầu kỳ duy mỹ số một trên dải đất Việt là thứ khổ tâm như thế. Lụa Lãnh Mỹ A được dệt từ tơ tằm hảo hạng, nhuộm đi nhuộm lại hàng trăm lần nhựa trái mặc nưa trong suốt gần nửa năm trời. Thứ lụa trơn láng, đen nhưng nhức ấy mặc vào người như được vuốt ve trên da thịt, mùa hè mát rượi, mùa đông ấm sực, càng mặc càng giặt càng đen huyền.

Nguyên liệu hảo hạng, thuần khiết từ tự nhiên, biết bao vất vả và tinh hoa tay nghề thủ công của nghệ nhân dệt và nhuộm lụa mới làm nên tấm vải, nên bao đời nay Lãnh Mỹ A được xem là dòng lụa sang quý nhất của người Việt.

Vẻ đẹp đen bóng huyền ảo của Lãnh Mỹ A sau khi nhuộm đủ 100 lần

Khoảng sau 1975 các khung cửi dệt lãnh của vùng lụa Tân Châu bị phá dần, các nhà dệt chuyển sang làm vải nilon và cotton. Bác Tám Lăng, người nghệ nhân dệt lãnh giỏi nhất, vì xót xa thứ lụa vốn là huyền thoại của một vùng đất mà cố gắng cầm cự. Nhưng cũng chỉ được đến thập niên 1980, khung dệt lãnh cuối cùng trong xưởng dệt Tám Lăng cũng đành đóng lại.

Việc dệt đúng quy trình của thứ lụa này khá cầu kỳ và khó khăn nên đến thập niên 80 khung dệt lãnh cuối cùng cũng đành đóng lại

Báu vật của tổ tiên không thể thất truyền và biến mất, một cơ duyên hi hữu đã khiến bác Tám gặp được người đồng hành. Đó là Rose Morant – nghệ sĩ đương đại, designer của một hãng thời trang xa xỉ của Pháp – đến Việt Nam để tìm vùng nguyên liệu thủ công và độc bản. Cô Rose rủ bác Tám: “Hãy quay lại dệt lãnh Mỹ A! Phải dệt bằng sợi tơ tằm đẹp nhất, màu nhuộm từ thiên nhiên, làm thủ công hoàn toàn. Chỉ cần ông cố gắng dệt ra thứ vải tốt nhất, tôi sẽ cố gắng bán vải!”.

Công Trí mang lụa Lãnh Mỹ A tham gia Tokyo Fashion Week

Thủy Nguyễn và cuộc dạo chơi cùng “Lụa Là”

Khi nghệ sĩ Rose Morant rời khỏi Việt Nam, chị đã trao gửi lại tất cả tâm huyết của mình và những dự án từ niềm say mê nền thủ công truyền thống cho Hanoia – nhà chế tác sơn mài hạng sang đầu tiên của Việt Nam. Hơn 10 năm nay, Hanoia đã sát cánh cùng gia đình nghệ nhân Tám Lăng để giữ nghề dệt lãnh.

Một bên cố gắng làm ra những tấm lụa không thể đẹp hơn, bất kể mất bao nhiêu thời gian hay bao nhiêu khó nhọc. Một bên không ngừng nỗ lực để giới thiệu Lãnh Mỹ A tới những nhà mốt danh tiếng trên thế giới, như một niềm kiêu hãnh từ nền thủ công tinh xảo của Việt Nam.

Lụa phải luộc cho hết nhựa kén tằm mới chuyển sang nhuộm. Mỗi công đoạn làm nên Lãnh Mỹ A đều đòi hỏi sự công phu và lành nghề của người thợ

Và trong khi người Việt còn nghi hoặc về sự tồn tại của Lãnh Mỹ A, thì thứ lụa quý ra đời từ bao nhiêu thương khó ấy đã có mặt trong những thiết kế xa xỉ tại Châu Âu, dưới tên gọi Lụa sơn mài (lacquer silk) bởi hiệu ứng bóng độc đáo trên màu đen ảo diệu của mặt vải.

Hanoia- nhà cung cấp độc quyền Lãnh Mỹ A, đang cố gắng tìm thị trường trong nước, kể lại cho những tín đồ thời trang hôm nay câu chuyện về một niềm kiêu hãnh từ tinh hoa truyền thống. Họ hiểu rằng phải có đời sống thực sự trên chính đất Việt, được những người Việt yêu dấu và tự hào khi sử dụng – Lãnh Mỹ A mới thật sự hồi sinh.